Đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni thường được ca ngợi là có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, chứ không phải 72 vẻ đẹp. Ba mươi hai tướng tốt (và tám mươi vẻ đẹp) là theo quan niệm thẩm mỹ và khoa nhân tướng học lúc bấy giờ của người Ấn. Trong Kinh điển Nikàya cũng như các kinh điển Đại thừa thường đề cập và ca ngợi đến 32 quý tướng và rất ít trình bày 80 vẻ đẹp này. Chính vì vậy mà Phật tử khó tìm thấy trong các Kinh hoặc các bài viết đã được đăng tải trên các diễn đàn dưới dạng internet.
Trong năm bộ Nikàya, phần lớn giới thiệu đến 32 tướng tốt và chính nhờ 32 tướng tốt này mà nhiều nhà ngoại đạo lúc bấy giờ đã bị chiết phục. Vì họ tin rằng, một bậc Đại Giác (Buddha) và một vị Chuyển Luân Thánh Vương (Pali: Cakkavatti; Sanskrit: Cakravatin) tối thiểu phải hội đủ 32 quý tướng, Kinh Ambattha (số 3) thuộc Trường Bộ có trình bày câu chuyện Bà-la-môn Pokkharasàdi, sau khi đếm đủ 32 tướng tốt của Đức Phật rồi mới thật sự cung kính và lắng nghe lời giảng dạy của Đức Thế Tôn, sau này quy y trở thành vị cư sĩ trong chánh pháp.
Cũng trong Trường Bộ, Kinh Đại Bổn (số 14) còn trình bày xa hơn nữa, tất cả chư Phật trong quá khứ như từ Đức Phật Vipassì (Tỳ-bà-thi) đến Đức Phật Kassapa (Ca-diếp) cho đến Đức Phật Thích-ca cũng có đầy đủ 32 tướng tốt và còn nhấn mạnh: “Ai có đầy đủ 32 tướng tốt này sẽ chọn hai con đường thôi, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia đình, vị ấy sẽ trở thành vua Chuyển luân Thánh vương, dùng chánh pháp trị nước, bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bốn món báu. Nếu vị nầy từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, vị nầy sẽ thành bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, vén lui màn vô minh cho đời.”
Còn 80 vẻ đẹp, theo Thầy nghĩ chỉ là nhân rộng dựa trên cơ sở 32 quý tướng và thêm một số tướng quý mà trong 32 tướng không thấy đề cập đến. Dựa theo Tự Điển Phật Học Hán Việt do HT. Kim Cương Tử làm chủ biên (Hà Nội, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, 1992), tập I, trang 125 và tập II trang 1332 cung cấp thông tin cho ta thấy 80 vẻ đẹp được trình bày trong Pháp Giới Thứ Đệ quyển hạ, Pháp Giới Thứ Đệ lại dựa vào Luận Đại Trí Độ quyển 88 và Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển 20, mà các Luận này đều xuất hiện khá muộn, do đó chúng ta có thể suy luận rằng 80 vẻ đẹp có thể được đưa vào văn hệ Sanskrit sau này. Tám mươi vẻ đẹp trong Hán ngữ được gọi là “Bát thập chủng hảo” hay “Bát thập tuỳ hình hảo” nghĩa là vẻ đẹp kèm theo 32 tướng chính. Tám mươi vẻ đẹp đó nguyên văn như sau:
1. Không thấy đỉnh tướng: chòm đỉnh đầu của Đức Phật càng nhìn càng cao, nên chẳng thấy đỉnh.
2. Mũi cao, lỗ mũi không lộ
3. Lông mày như trăng non
4. Dái tai rủ xuống
5. Thân rắn chắc như na-la-diên
6. Khớp xương chắc như móc khoá
7. Một khi dở mình, xoay người thì như voi chúa
8. Lúc đi chân cách mặt đất bốn tấc và hiện ấn văn
9. Móng như màu đồng đỏ, mỏng và láng bóng
10. Xương đầu gối rắn chắc tròn và đẹp
11. Thân trong sạch
12. Thân mềm mại
13. Thân chẳng cong vẹo
14. Ngón tay tròn mà thon nhỏ
15. Vân ngón tay ẩn kín
16. Mạch sâu chẳng hiện
17. Mắt cá ẩn
18. Thân bóng bẩy mượt mà
19. Thân chẳng uốn éo
20. Thân đầy đủ
21. Dung nghi đầy đủ
22. Dung nghi hoàn toàn
23. Trụ xứ yên không động
24. Oai chấn hết thảy
25. Mọi chúng sanh thấy đều vui mừng
26. Mặt chẳn dài to
27. Dung mạo ngay chính không lệch lạc
28. Mặt mũi đầy đặn
29. Môi đỏ như quả Tần-bà
30. Tiếng nói vang trầm
31. Rốn sâu tròn đẹp
32. Lông xoăn theo chiều bên phải
33. Tay chân tròn trặn
34. Tay chân như ý
35. Vân tay sáng thẳng
36. Vân tay dài
37. Vân tay chẳng đứt
38. Chúng sanh có ác tâm thấy Người thì đều hoà nhã vui vẻ
39. Mặt rộng và rất đẹp
40. Mặt mũi thanh tịnh và đầy đặn như vầng trăng tròn
41. Nói năng hoà nhã với chúng sanh đúng theo ý thích của họ
42. Lỗ chân lông toả ra mùi thơm
43. Miệng toả mùi thơm tuyệt vời
44. Dáng điệu, cử chỉ, dung mạo như sư tử
45. Đi đứng oai vệ như voi chúa
46. Tướng đi như ngỗng chúa
47. Đầu như quả ma-đà-na
48. Mọi thành phần đều đầy đủ
49. Bốn răng cửa trắng và sắc
50. Lưỡi màu đỏ
51. Lưỡi mỏng
52. Lông màu hồng
53. Lông mềm mại sạch sẽ
54. Mắt rộng dài
55. Tướng tử môn đầy đủ
56. Tay chân trắng đỏ như màu hoa sen
57. Rốn chẳng lồi
58. Bụng chẳng lộ
59. Bụng thon
60. Thân chẳng khuynh động
61. Thân trì trọng
62. Thân lớn
63. Thân dài
64. Tay chân mềm mại, sạch sẽ bóng bẩy
65. Xung quanh có hào quang dài một trượng
66. Khi đi có hào quang chiếu trên thân
67. Coi chúng sanh bình đẳng như nhau
68. Chẳng khinh chúng sanh
69. Âm thanh tuỳ theo chúng sanh, chẳng tăng chẳng giảm
70. Thuyết pháp chẳng chấp trước
71. Tuỳ theo ngôn ngữ của chúng sanh mà thuyết giảng
72. Pháp âm ứng với thanh của chúng sanh
73. Tuần tự ứng với nhân duyên mà thuyết pháp
74. Hết thảy chúng sanh ngắm thân tướng Phật mà chẳng ngắm hết
75. Ngắm mãi không chán
76. Tóc dài và đẹp
77. Tóc chẳng rối
78. Tóc xoăn đẹp
79. Màu tóc như ngọc xanh
80. Tay chân là tướng bậc có đức.
Qua trật tự sắp xếp và các vẻ đẹp như trên đã trình bày, chúng ta thấy các vẻ đẹp phần lớn không ngoài 32 tướng tốt của Đức Phật và có một số vẻ đẹp không hợp lý khi gán vào, ví dụ các vẻ đẹp như 23, 24 hoặc từ 67 đến 75 thuộc oai thần hoặc tính cách của Đức Phật chứ không thuộc vẻ đẹp trên thân tướng.
Do đó, 32 tướng tốt của Đức Phật được xem là tiêu chuẩn cho cả hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền, còn 80 vẻ đẹp chỉ là cách nhân rộng để tán thán Đức Phật mà thôi.
Cũng nên đề cập ở đây, 32 tướng tốt của Đức Phật là kết quả tu hành vô lượng kiếp vì chúng sanh mà xả bỏ thân mạng, làm lợi ích lớn lao, nên được 32 tướng trang nghiêm này. Do đó, rất nhiều chúng sanh khi chiêm ngưỡng được thân tướng trang nghiêm của Đức Phật liền phát tâm Bồ-đề, dõng mãnh vượt thoát mọi dòng thác lũ của cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc mà chứng được quả vị tối hậu, Niết-bàn ngay trong tại cõi đời này.
Nếu vị nào chưa tìm được tài liệu về 32 tướng tốt của Đức Phật thì vào Kinh Đại Bổn (số 14) thuộc Trường Bộ thông qua hình ảnh của Đức Phật Vipassì để đọc thêm, và Kinh Tướng (số 30) cũng thuộc Trường Bộ trình bày chuyên đề về 32 tướng tốt của Đức Phật Thích-ca và các công hạnh để dẫn đến 32 tướng tốt đẹp, cũng như phước báu của một vị có đủ 32 tướng báu này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét